Kiến thức cơ bản → Khẩu độ (thông số f) và chế độ A
Khẩu độ (thông số f) và chế độ A
Khẩu độ là một bộ phận dùng để điều chỉnh lượng ánh sáng từ ống kính đi vào máy ảnh. Như hình minh họa dưới đây, khẩu độ được đặt bên trong ống kính và điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào bằng cách thay đổi kích cỡ của lỗ điều tiết ánh sáng.
Lượng ánh sáng đi vào máy ảnh do kích cỡ khẩu độ quyết định được định lượng bằng thông số f. Thông số f có các giá trị chuẩn cố định như F2, F2.8, F4, F5.6 và F8. Thông số f càng lớn thì khẩu độ càng khép nhỏ và ánh sáng lọt qua ống kính sẽ càng ít. Thông số f càng nhỏ thì khẩu độ càng mở lớn và ánh sáng lọt qua ống kính sẽ càng nhiều. Ví dụ: nếu khẩu độ thay đổi từ F8 đến F5.6 thì lượng ánh sáng sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, ngay cả khi tốc độ màn trập được tăng gấp đôi thì lượng ánh sáng đi vào máy ảnh và các điều kiện khác vẫn giữ nguyên không đổi.
Khẩu độ cũng ảnh hưởng đến phạm vi vùng lấy nét hoặc mức độ nhòe mờ trong ảnh.
Sau đây là hình minh họa so sánh mức độ nhòe mờ liên quan đến khẩu độ. Bạn có thể thấy thông số f càng nhỏ thì tiền cảnh và hậu cảnh càng nhòe mờ.
Nói chung, thông số f càng nhỏ thì ánh sáng lọt vào máy ảnh càng nhiều và hiệu ứng nhòe mờ càng rõ. Mỗi ống kính có thông số f tối thiểu riêng và giá trị này được gọi là khẩu độ tối đa của ống kính. Để kiểm tra khẩu độ tối đa của ống kính, hãy xem thông số kỹ thuật của ống kính hoặc giá trị thông số f in trên ống kính như hình minh họa dưới đây.
Ống kính có thông số f nhỏ được gọi chung là ống kính nhanh.
Chế độ A (chế độ Ưu tiên khẩu độ)
Chế độ A (chế độ Ưu tiên khẩu độ) là chế độ cho phép bạn thiết lập thông số f theo ý thích. Ở điều kiện chụp này, máy ảnh tự động thiết lập tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO để cho kết quả hình ảnh phơi sáng tốt.
Chế độ này thích hợp khi bạn muốn làm nhòe mờ tiền cảnh và hậu cảnh và chỉ lấy nét ở chủ thể chính hoặc khi bạn muốn chụp toàn bộ phong cảnh rõ ràng bằng cách lấy nét ở phạm vi rộng từ tiền cảnh tới hậu cảnh.
Thông số f càng lớn thì lỗ điều tiết ánh sáng vốn kiểm soát ánh sáng lọt vào máy ảnh càng nhỏ. Theo đó, tốc độ màn trập sẽ chậm lại, khiến cho hình ảnh có thể bị nhòe mờ do máy ảnh rung lắc. Nếu vấn đề này xảy ra, hãy thử chụp lại với thông số f nhỏ hơn.