Thủ thuật bấm máy > Chụp ảnh món ăn sao cho trông thơm ngon, hấp dẫn

    Cấp độ: Người mới tập chụp

    BÀI HỌC 4Chụp ảnh món ăn sao cho trông thơm ngon, hấp dẫn

    Bức ảnh

    Tiêu cự: 46 mm / Thông số f: 5.6 / Tốc độ màn trập: 1/100 giây / Bù sáng: +1

    Khi chụp các món ăn hay món tráng miệng, bạn muốn những bức ảnh này chuyển tải được cả hương vị thơm ngon của chủ thể được chụp.
    Để chụp những bức ảnh như vậy, hãy cân nhắc đến yếu tố màu sắc và sự tươi sáng rực rỡ để bạn có thể tái hiện hình ảnh trông ngon lành của món ăn sao cho giống với hình ảnh ngoài đời thực nhất.
    Trước tiên, hãy thiết lập máy ảnh ở chế độ P và thử các kỹ thuật sau đây.

    Tái hiện màu sắc theo ý muốn của bạn

    Màu sắc và sự tươi sáng rực rỡ là hai yếu tố quan trọng góp phần làm cho ảnh chụp món ăn và bánh mứt trông thơm ngon, hấp dẫn.
    Đầu tiên, điều chỉnh màu sắc với cân bằng trắng. Cân bằng trắng là chức năng cho phép bạn điều chỉnh "màu trắng" tiêu chuẩn, nhưng nó cũng có thể được dùng để làm bộ lọc màu trong máy ảnh kỹ thuật số. Đầu tiên, hãy chụp với cài đặt cân bằng trắng tự động [AWB] để xem kết quả hình ảnh có giống như bạn mong đợi hay không. Sau đó thử tiếp các cài đặt [Daylight] (Ánh sáng ngày) hoặc [Cloudy] (Trời nhiều mây) nếu cần. Nếu bạn muốn tìm kiếm thêm màu sắc mong muốn thì hãy sử dụng tính năng tinh chỉnh dành cho cân bằng trắng.
    Nhìn chung, món ăn sẽ trông thơm ngon hấp dẫn hơn nếu được chụp với màu hơi ấm (sắc hơi đỏ).

    Hai ảnh này được chụp với các cài đặt cân bằng trắng khác nhau. Được chụp với cài đặt cân bằng trắng tự động [AWB], ảnh [1] trông trắng hơn hình ảnh món ăn ngoài thực tế vì ảnh hưởng của nguồn ánh sáng trong nhà hàng. Ảnh [2] được chụp với cài đặt [Daylight] (Ánh sáng ngày). Màu sắc ấm hơn khiến cho hình ảnh món ăn trông thơm ngon hấp dẫn hơn ở ảnh 2 này.

    Bức ảnh

    [1] Cân bằng trắng: AWB [2] Cân bằng trắng: Ánh sáng ngày

    Xem xét đến góc ánh sáng

    Góc ánh sáng và độ tươi sáng cũng là những yếu tố quan trọng. Món ăn sẽ trông ngon hấp dẫn hơn khi được chụp với ánh sáng ngược. Khi được chụp với ánh sáng thuận, hình dạng và màu sắc của món ăn sẽ được tái hiện một cách rõ ràng. Tuy nhiên, vì kiểu chiếu sáng này không tạo được bóng đổ lên chủ thể cũng như không tỏa sáng rực rỡ lên món ăn nên hình ảnh sẽ trông thiếu chiều sâu và tẻ nhạt.

    Ảnh [1] được chụp với ánh sáng thuận. Hình dạng của bánh mì và trái cây được tái hiện một cách rõ ràng nhưng bức ảnh trông tẻ nhạt giống như chụp ảnh thẻ. Đèn flash đánh trực tiếp vào chủ thể cũng tạo ra nguồn sáng phía trước và cho kết quả hình ảnh tương tự.
    Ảnh [2] được chụp với ánh sáng ngược. Với bóng đổ, những ổ bánh mì được thể hiện có chiều sâu. Ngoài ra, các loại trái cây và đồ uống trông tươi mát hơn nhờ ánh sáng chiếu xuyên qua những chủ thể này. Chỉ một sự thay đổi góc ánh sáng đơn giản cũng đủ sức tạo nên sự khác biệt lớn đối với kết quả hình ảnh.

    Bức ảnh

    [1] Được chụp với ánh sáng thuận [2] Được chụp với ánh sáng ngược

    Tuy nhiên, nếu bạn chụp với ánh sáng ngược thì chủ thể có thể sẽ trông tối hơn mong đợi vì hậu cảnh sáng. Nếu điều này xảy ra, hãy sử dụng chức năng bù sáng. Nếu món ăn trông tối, hãy chỉnh độ phơi sáng sang phía dấu + để nó trở nên sáng hơn. Điểm chính ở đây là bạn cần điều chỉnh độ phơi sáng dựa trên mức độ sáng tối của chính món ăn; nếu hậu cảnh có hơi trắng một chút cũng không sao.

    Trong ảnh [3], món ăn trông tối vì có ánh sáng mạnh lọt vào ống kính.
    Ảnh [4] được chụp bằng cách áp dụng bù sáng cho ảnh bên trái. Nhờ điều chỉnh phơi sáng dựa trên độ sáng tối của bản thân món ăn để làm cho món ăn trông sáng hơn mà giờ đây hình ảnh cuối cùng của món ăn đó trông thơm ngon, hấp dẫn hơn.

    Bức ảnh

    [3] Bù sáng: 0 [4] Bù sáng: +1

    Thay đổi bố cục

    Nếu bạn cố gắng chụp toàn bộ món ăn, thông thường, kết quả hình ảnh đạt được của bạn sẽ trông chẳng khác nào một bức ảnh lưu hồ sơ buồn tẻ. Tuy nhiên, nếu bạn để ý một chút đến bố cục, bạn có thể cải thiện không khí của bức ảnh.
    Trong số những ảnh minh họa dưới đây, [1] chụp toàn bộ món ăn nhìn từ góc ảnh của mắt người chụp. Bạn có thể nhìn thấy món ăn có những gì nhưng bức ảnh vẫn trông tẻ nhạt và vô vị. Ngoài ra, trong khung hình cũng có các món khác và đồ bạc bày biện xung quanh món mà bạn định chụp nên bức ảnh tạo cảm giác lộn xộn, bừa bộn.

    Để cải thiện điều này, ảnh [2] được chụp càng gần món ăn càng tốt. Món ăn được chụp gần đến nỗi một phần của nó vượt ra khỏi khung hình. Bức ảnh này mang lại cảm giác món ăn hiện hữu mạnh hơn và truyền tải được thông điệp thơm ngon, hấp dẫn của món ăn đến người xem nhiều hơn. Hậu cảnh cũng trông ngăn nắp, gọn gàng hơn.
    Ngoài ra, bạn cũng nên chụp món ăn theo chiều dọc hay chéo (nghiêng máy ảnh) vì kỹ thuật này rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác ảnh có chiều sâu.

    Bức ảnh

    [1] [2]

    Thử dùng ống kính tiêu cự cố định

    Ống kính tiêu cự cố định cũng hữu ích khi cần chụp ảnh món ăn vì loại ống kính này có thể tạo hiệu ứng hậu cảnh nhòe mờ mạnh. Hơn nữa, vì ống kính tiêu cự cố định cho phép một lượng ánh sáng lớn đi vào máy ảnh nên loại ống kính này cũng rất hiệu quả khi chụp trong nhà với điều kiện ánh sáng lờ mờ.

    Bức ảnh

    Tiêu cự: 35 mm / Thông số f: 1.8 / Tốc độ màn trập: 1/80 giây

    Cho chất lượng hình ảnh vượt trội cả ở khẩu độ tối đa F1.8, ống kính một tiêu cự 35 mm gọn nhẹ cho máy ảnh full-frame này là một sự lựa chọn linh hoạt cho mọi mục đích, từ chụp ảnh tĩnh vật trên bàn cho đến cảnh ngoài trời tuyệt đẹp. Khả năng Lấy nét tự động (AF) nhanh, chính xác, êm và công nghệ theo dõi AF đáng tin cậy của ống kính phù hợp để quay video cũng như chụp ảnh tĩnh.

    Bức ảnh

    Tiêu cự: 50 mm / Thông số f: 1.8 / Tốc độ màn trập: 1/100 giây

    Ống kính prime 50 mm với khẩu độ lớn là một phụ kiện cần phải có cho người dùng máy ảnh full-frame chuyên nghiệp và cũng là một lựa chọn hợp lý và hoàn hảo. Các thiết kế quang học hiện đại cho hình ảnh chất lượng cao, đồng thời khẩu độ cực đại F1.8 có thể tạo nên hiệu ứng bokeh tuyệt đẹp. Định dạng APS-C trên máy E-mount cho chất lượng hình ảnh cao với tiêu cự tương đương khoảng 75 mm.