Thủ thuật bấm máy > Để vật thể nhỏ đóng vai trò chính
Cấp độ: Người mới tập chụp
BÀI HỌC 9Để vật thể nhỏ đóng vai trò chính
Để lột tả các đặc điểm, độ trầm tĩnh hoặc nét dễ thương của một vật thể nhỏ, điều cốt yếu là bạn cần lấy nét chính xác vào món đồ đó và để nó đóng vai trò chính trong bức ảnh. Chương này cung cấp một số kỹ thuật chính để chụp đồ vật và những món đồ trang trí trên bàn sao cho lung linh, tuyệt đẹp.
Trước tiên, thiết lập máy ảnh ở chế độ P trước khi bắt đầu chụp.
Quy tắc cơ bản: Đến gần chủ thể và chụp ở phía tele của ống kính
Khi bạn chụp những món đồ vật nhỏ với tư cách chủ thể chính trong bức ảnh của bạn, hãy làm nhòe mờ hậu cảnh để nhấn mạnh vào chủ thể cần chụp.
Để chụp cận cảnh chủ thể và làm nhòe mờ những vùng khác, các quy tắc chính là “Đến càng gần chủ thể càng tốt" và "Chụp ở phía tele của ống kính zoom (với tiêu cự dài hơn)", như đã đề cập trong "1. Chụp chân dung ấn tượng với con người được nhấn nổi bật," "8. Chụp thế giới vi mô," v.v. Tuy nhiên, việc lấp đầy toàn bộ khung hình bằng chủ thể có thể sẽ không hiệu quả trong việc diễn tả đặc điểm của món đồ nhỏ bé đó. Trong trường hợp này, hãy chụp liên tục vài tấm trong khi di chuyển máy ảnh ra xa khỏi chủ thể cần chụp từng chút một.
Bức ảnh này được chụp với ống kính zoom "SEL1855" đi kèm với bộ ống kính zoom NEX-F3. Để làm nhòe mờ hậu cảnh, tiêu cự được thiết lập tới đầu tele của ống kính là 55 mm. Bằng cách lấy nét vào món đồ vật nhỏ cần chụp và chụp ở tầm ngang với vị trí đặt món đồ đó, chủ thể được nhấn nổi bật trên nền hậu cảnh nhòe mờ.
Ngoài ra, ống kính macro cũng hữu ích khi chụp các vật thể nhỏ. So với các loại ống kính khác, ống kính macro cho phép bạn tiếp cận cực gần chủ thể. Nhờ đó, bạn có thể chụp cận cảnh những món nữ trang nhỏ như nhẫn, dây chuyền, hoa tai.
Đây là ảnh chụp một mặt dây chuyền bằng ống kính macro.
Ngoài khả năng chụp cận cảnh, ống kính macro còn có một ưu điểm lớn khác nữa là nhiếp ảnh gia có thể đến gần chủ thể hết mức có thể. Với ống kính macro, bạn có thể quyết định góc máy, bố cục và kích thước của chủ thể một cách linh hoạt ngay cả trong không gian chật hẹp, chẳng hạn như trên bàn hay trong một căn phòng nhỏ.
Cân nhắc đến bố cục
Hãy chú ý đến bố cục ảnh trước khi thả nút chụp.
Nếu người mới tập chụp thả nút chụp một cách ngẫu hứng thì thông thường chủ thể sẽ được đặt ở chính giữa khung hình. Bố cục này có thể diễn tả sức mạnh và chủ đề của chủ thể một cách rõ ràng. Tuy nhiên, khi chụp những món đồ nhỏ, thật khó để sử dụng không gian vào việc lột tả tính ăn ảnh và chuyển động nhịp nhàng của nó.
Đối với những món đồ nhỏ, bạn nên áp dụng "Quy tắc một phần ba" hoặc quy tắc đường chéo.
Đây là ví dụ về bố cục theo “Quy tắc một phần ba”. Trong bố cục theo "Quy tắc một phần ba", khung hình được chia thành 9 phần (3 ngang × 3 dọc) và chủ thể chính được đặt ở phần giao nhau của các đường phân chia. Trong ví dụ trên, chủ thể chính được đặt ở chỗ giao bên tay phải, phía trên. Qua việc đặt chủ thể chính vào vị trí này, bức ảnh trông ổn định hơn, cân bằng hoàn hảo giữa hoa văn của vải và không gian mở. Tuy nhiên, nếu bức ảnh nào bạn cũng áp dụng "Quy tắc một phần ba" thì những bức ảnh của bạn sẽ trở nên đơn điệu. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng bố cục này làm một kỹ thuật tham khảo khi không nghĩ ra được bố cục nào ưng ý.
Một kiểu bố cục khác cũng được khuyên dùng để chụp vật thể nhỏ là bố cục theo đường chéo. Như trong ảnh trên, nếu có nhiều món đồ vật hay hoa văn giống nhau được xếp chồng lên nhau, nối đuôi nhau hay nếu có hoa văn kẻ sọc, hãy sắp xếp sao cho những món đồ vật hay hoa văn này nằm chéo khung hình để tạo ra bố cục theo đường chéo.
Bố cục theo đường chéo có thể làm tăng thêm cảm giác những vật thể này chuyển động theo nhịp điệu và khiến người xem tưởng tượng khung cảnh mở rộng vượt ra ngoài phạm vi khung hình.
Bức ảnh này là một ví dụ của bố cục theo đường chéo. Những chiếc bánh macaroon nhiều màu sắc được sắp xếp có nhịp điệu trong khung hình.
Bằng cách này, bố cục theo đường chéo đã tạo ra nhịp điệu và phối cảnh gần xa. Tuy nhiên, bố cục này cũng có thể mang lại cảm giác không cân bằng và không yên. Thay vì chỉ chụp theo một bố cục, bạn nên thử các bố cục khác nhau. Trong ví dụ trước về những chiếc bánh macaroon, việc chụp trực tiếp từ bên trên những chiếc bánh có thể tạo ra một bức ảnh thú vị.
Thử dùng ống kính macro
Nếu bạn chụp những món đồ vật hay bông hoa nhỏ, việc sử dụng ống kính macro sẽ giúp tăng đáng kể sự ăn ảnh cho bức hình của bạn. Nếu bạn đang thử dùng ống kính macro lần đầu tiên thì bạn nên sử dụng "SEL30M35" dành cho dòng máy ảnh E-mount. Cả hai loại ống kính này có góc chụp tiện lợi và hoạt động hiệu quả, xứng đáng với chi phí mà bạn bỏ ra.
SEL90M28G
Ống kính macro tele trung bình E-mount đầu tiên với khả năng ổn định hình ảnh tích hợp cho chất lượng Ống kính G vượt trội: Độ phân giải tuyệt vời với độ phóng đại lên đến 1:1 cộng với hiệu ứng bokeh cực đẹp khi cần thiết, ngay cả khi chụp cầm tay. Cơ chế lấy nét nổi đảm bảo hiệu suất quang học luôn đồng nhất ở tất cả mọi khoảng cách lấy nét.
SEL50M28
Ống kính macro tiêu cự cố định 50 mm “thông thường” đa năng dành cho cảm biến full-frame này là lựa chọn lý tưởng cho hoạt động chụp ảnh hàng ngày cũng như để chụp ảnh macro 1:1 ấn tượng. Bạn có thể chụp chủ thể cận cảnh ở khoảng cách 16 cm trong khi góc ngắm thông thường giúp bạn đưa vào những yếu tố nền để thoải mái sáng tạo hơn nữa. Các nút điều khiển và hoạt động được tối ưu hóa, giúp chụp ảnh cận cảnh dễ dàng, hiệu quả.
SEL30M35
Ống kính này cho phép bạn chụp cận cảnh linh hoạt, hiệu quả cao với thân ống kính gọn, nhẹ. Đây là ống kính macro tỷ lệ 1:1 đích thực với khoảng cách lấy nét hiệu dụng tối thiểu là 2,4 cm, cho phép chụp những chủ thể và chi tiết nhỏ với độ phân giải và độ tương phản tuyệt vời.